Bơm tiêm, đồ lót, và ngành kinh doanh tái chế ở Trung Quốc
Một công nhân Trung Quốc dùng kéo cắt bơm tiêm đã qua sử dụng (Ảnh chụp màn hình/Apple Daily)
Ở Trung Quốc, nhiều người kiếm sống bằng cách thu mua và tái chế rác. Không phải tất cả đều an toàn, đặc biệt khi nguồn rác bị nghi ngờ là từ những sản phẩm đã qua sử dụng của bệnh viện hoặc đồ lót đã qua sử dụng.
Những nguyên vật liệu không được sạch sẽ và ẩn giấu các nguy cơ bệnh tật được bán lại với giá rất rẻ cho những người gia công. Những người này sẽ biến chúng thành hàng tiêu dùng hàng ngày như mền, nhựa bán thành phẩm hoặc thú nhồi bông của trẻ em.
Bơm tiêm thành nắp chai
Tạp chí Tài Kinh (财经) của Trung Quốc đưa tin ngày 30/3, một trung tâm tái chế bất hợp pháp ở thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam, sản xuất hạt nhựa từ ống tiêm đã qua sử dụng và túi truyền dịch. Những người điều hành cở sở này đã mua nguyên liệu hàng tháng từ các bệnh viện.
Hạt nhựa được làm từ những dụng cụ y tế đã qua sử dụng, sau đó được bán lại và dùng để sản xuất đủ các loại sản phẩm nhựa – túi nhựa, bảng, đồ chơi, xô chậu, và nắp chai nước giải khát.
Nhựa chưa được xử lý hoặc được xử lý cẩu thả từ các sản phẩm đã được bệnh viện sử dụng một lần có thể chứa những vi khuẩn có hại, các virus, chất độc và thậm chí là cả các chất phóng xạ.
Những xưởng tái chế bất hợp pháp thu mua nguyên liệu từ những công nhân vệ sinh, những người này đến lượt họ lại thu mua từ nhân viên của bệnh viện. Trước đó, tờ Tài Kinh đã đưa tin rằng kim tiêm và bơm tiêm đã qua sử dụng có thể được bán với giá 1,2 nhân dân tệ/pound (khoảng 4.200 đồng/450gr) và túi truyền là 1,6 nhân dân tệ/pound (5.600 đồng/450gr) từ các cơ sở y tế ở tỉnh Thiệu Dương, nơi họ bán những đồ đã qua sử dụng thay vì phải đi qua những quy trình rắc rối của việc xử lý đúng cách.
Một nguồn tin giấu tên quen thuộc với ngành công nghiệp nhựa ở Thiệu Dương nói với tờ Tài Kinh rằng một tấn hạt nhựa lậu được bán với giá trung bình 4.000 nhân dân tệ (khoảng 645 USD hay 14 triệu đồng).
Tháng 10 năm ngoái, 30 tấn nhựa phế thải đã được xử lý hàng ngày ở thành phố Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông.
Một phóng viên của trang Kỷ Lộc (Qilu), một trang tin tức trên mạng Internet của nhà nước Trung Quốc, đã ghé thăm xưởng tái chế ở Sơn Đông trong tháng 3 này và phát hiện ra rằng những người dân địa phương đã thu mua những chai truyền dịch đã qua sử dụng từ các bệnh viện lân cận với số lượng rất lớn và giữ trong kho. Các chai trong kho dự trữ này thường vẫn còn được dán nhãn với tên bệnh nhân và số thứ tự của giường bệnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét